Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa cố đô nổi tiếng
Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và là nét đẹp văn hóa nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam. Đây còn là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút du khách thập phương đến với thành phố Huế mộng mơ
Âm hưởng tao nhã cùng điệu thức cao sang, quý phái của Nhã nhạc cung đình Huế là điều khiến du khách muôn phương luôn nhớ về khi đã một lần thưởng thức. Đây còn là di sản văn hóa phi vật thể đáng tự hào và là loại hình âm nhạc nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.
1. Giới thiệu về Nhã nhạc cung đình Huế
Nhã nhạc cung đình là thể loại nhạc có từ thời phong kiến được biểu diễn phục vụ trong cung đình vào những dịp lễ như: Đại triều, Thường triều, Tế giao, Tế miếu… Nhạc có lời hát tao nhã cùng điệu thức cao sang, quý phái góp phần tạo sự trang trọng cho các buổi lễ. Đây còn là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Chính vì thế Nhã nhạc cung đình Huế rất được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng.
Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại vào 7/11/2003 và lễ đón bằng công nhận được tổ chức tại thủ đô Paris nước Pháp vào ngày 31/1/2004.
Đây là vinh dự và niềm tự hào to lớn cho Huế cũng như dân tộc Việt Nam. Đồng thời, sự vinh danh này còn góp phần tạo nên sức hút, nét hấp dẫn rất riêng cho ngành du lịch của thành phố Huế cổ kính và thơ mộng.
2. Lịch sử hình thành của Nhã nhạc cung đình Huế
Theo sử sách ghi lại, Nhã nhạc cung đình Huế có quá trình hình thành và phát triển theo từng giai đoạn qua các triều đại Lý - Trần. Các thế hệ kế thừa tiếp tục gìn giữ, bổ sung sáng tạo và phát triển loại hình nghệ thuật này ngày càng phong phú, tinh tế đạt đỉnh cao vào triều đại Nhà Nguyễn.
Lịch sử hình thành Nhã nhạc qua các thời đại phong kiến
Dưới thời Lý: Nhã nhạc cung đình có từ thời Lý (giai đoạn 1010 - 1225) và bắt đầu hoạt động có quy củ về sau. Ở thời này, Nhã nhạc có lời hát tao nhã, điệu thức cao sang là biểu tượng cho sự trường tồn, hưng thịnh và quyền lực của quân chủ phong kiến.
- Dưới thời Lê: Nhã nhạc cung đình vào thời Lê (giai đoạn 1427 - 1788) được dành riêng cho giới quý tộc, bác học. Thể loại nhạc có kết cấu phức tạp, chặt chẽ với quy mô tổ chức rõ ràng, chi tiết.
Từ triều Lê, Nhã nhạc được phân định ra nhiều thể loại riêng biệt như: Giao nhạc, Đại triều nhạc, Miếu nhạc, Đại yến nhạc, Thường triều nhạc, Cửu nhật nguyệt lai trùng nhạc…
Tuy nhiên vào cuối triều Lê, Nhã nhạc không còn giữ được sự phát triển mà bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái, nhạt phai do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Dưới thời Nguyễn: Nhã nhạc cung đình Huế phát triển mạnh mẽ trở lại và được tổ chức bài bản vào triều Nguyễn (giai đoạn 1802 - 1945). Đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ XIX, triều đình vua Gia Long đã biết sử dụng thể loại âm nhạc bác học này để “di dưỡng tinh thần” khi mới lập nghiệp ở phương Nam.
Từ đây Nhã nhạc đã gắn liền với cung đình Huế và phát triển theo mô thức quy phạm đúng chuẩn, có hệ thống, bài bản với hàng trăm nhạc chương. Giai đoạn này cũng là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho âm Nhạc Cung Đình qua các đời vua sau.
3. Nỗ lực gìn giữ Nhã Nhạc cung đình Huế của xứ Huế mộng mơ
Công tác bảo tồn Nhã Nhạc cung đình Huế đã luôn được chú trọng vào những năm qua. Hiện nay, Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế đã bảo tồn được một số bản nhạc cung đình quan trọng như 10 bản Ngự gồm Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, v.v.
Không chỉ bảo tồn và phục hồi những tác phẩm âm nhạc, nhà hát còn thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn qua các hình thức diễn xướng khác nhau vào những dịp lễ hội như Festival Huế, lễ hội Phật giáo, lễ hội dân gian, âm nhạc thính phòng, v.v. Nếu có dịp đến đây, bạn cũng có thể dạo quanh một vòng khu trưng bày triển lãm giới thiệu chi tiết về Nhã Nhạc cung đình Huế qua phục trang, mặt nạ, các loại tư liệu và nhạc cụ.
Nhã Nhạc cung đình Huế là món quà tinh thần vô giá mà các bậc tiền nhân đi trước đã gửi lại nơi cố đô thanh bình. Nếu có dịp ghé đến vùng đất của sông Hương núi Ngự, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được bay bổng theo những giai điệu du dương của Nhã Nhạc nhé.