Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể của người Việt
News

Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể của người Việt

 

Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị mai một, sau 13 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nghệ thuật Ca trù của Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để khẳng định sức sống mạnh mẽ của mình. Đến nay, nghệ thuật Ca trù truyền thống đặc biệt này đã được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đặc biệt cả giới trẻ và số lượng các câu lạc bộ ca trù cũng ngày một nhiều hơn.

 

Dấu ấn bác học của Ca trù

Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lí sống của người Việt.

Cho đến nay chưa ai biết chính xác Ca trù có từ bao giờ, chỉ biết nó bắt đầu thịnh hành từ thế kỉ 15. Trước đây, nghệ thuật Ca trù gắn liền với hoạt động của các giáo phường, một tổ chức hành nghề mang tính chuyên biệt của những người hành nghề ca hát, và thường diễn ra trong các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán. Nghệ thuật ca trù không những đóng góp vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước phong kiến trong việc đón tiếp ngoại giao.

 

Ca trù có lối hát phong phú và đa dạng. Bài hát chủ yếu là các tác phẩm thuộc những thể thơ văn tiêu biểu của người Việt nhưng phổ biến nhất vẫn là “hát nói”, một thể văn vần có tính cách tự do phóng khoáng, và có tính văn học cao. Lời lẽ, ca từ của Ca trù mang tính ít lời nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, sâu lắng. Nội dung có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn đến sử thi hùng ca, triết lí, giáo huấn… Bởi vậy, trong nghệ thuật Ca trù, từ soạn giả (người soạn lời bài hát), ca nương, kép đàn (nghệ sĩ biểu diễn) cho đến người thưởng thức (quan viên) thường là bậc văn sĩ, trí thức, những người tài hoa về thơ văn, âm nhạc.

Linh hồn của Ca trù chính là ca nương, nữ hát chính có thanh sắc vẹn toàn, được đào tạo bài bản, công phu, vừa hát vừa gõ nhịp phách, kỹ thuật hát rất tinh tế, điêu luyện, nắn nót, trau chuốt từng câu, từng lời. Kế tiếp là nhạc công, thường gọi là kép đàn. Người này chơi đàn đáy luyến láy, nhặt khoan, lúc thánh thót, lúc ngân nga rất hòa nhịp với giọng hát của ca nương. Một phần không thể thiếu khác đó là người nghe, gọi là quan viên. Trong số các quan viên ấy người nào sành âm luật, thanh nhạc, vũ đạo… thì được mời ngồi cầm trống chầu. Quan viên cầm trống chầu vừa giữ vai trò là người thẩm âm, giữ nhịp, vừa để biểu hiện sự khen-chê, thưởng-phạt bằng cách thể hiện qua cách gõ trống của mình mỗi khi nghe ca nương, kép đàn trình diễn. Vì thế mỗi khi nghe đào kép thể hiện lúc nhặt lúc khoan, lúc tha thiết lúc dặt dìu, lúc cứng cỏi lúc đài các... quan viên sẽ tùy theo cảm nhận, cảm xúc của mình để có cách gõ trống chầu khác nhau. Do đó tiếng trống chầu thể hiện rất rõ trình độ của người thưởng thức cũng như tài nghệ của người biểu diễn.

 

Có thể nói, xem một buổi diễn Ca trù người ta thấy ở đó không chỉ có sự tinh tế, tài hoa, tao nhã mà còn có cả sự sang trọng và quý phái vừa giống như nghi lễ của các Geisha truyền thống Nhật Bản lại vừa giống như màn trình diễn đầy kịch tính của những vở Opera phương Tây.

 

Mặc dù được đánh giá là loại hình nghệ thuật bác học, có sức ảnh hưởng lớn trong nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam nhưng Ca trù cũng có những bước thăng trầm theo lịch sử, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bị lãng quên, mai một. Vì thế, năm 2009, UNESCO đã ghi danh Ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó đến nay, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng Nhà nước, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là của chính những nghệ nhân, người yêu nghệ thuật Ca trù, loại hình nghệ thuật này từng bước được hồi sinh mạnh mẽ.