Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 2025 cần chuẩn bị những gì?
News

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 2025 cần chuẩn bị những gì?

Tết Đoan Ngọ 2025 đang đến gần, bạn đã biết cách chuẩn bị mâm cúng đúng chuẩn chưa? Đây là dịp lễ truyền thống quan trọng với ý nghĩa diệt sâu bọ, cầu mong một năm sản xuất thắng lợi, mùa màng bội thu, con cháu bình an, mạnh khỏe. Vậy mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì? Tết Đoan Ngọ nên cúng gì để thể hiện lòng thành kính và mang lại may mắn? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

1. Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ và lễ cúng ngày 5/5 âm lịch

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết diệt sâu bọ” hay “Tết nửa năm”. Đây là thời điểm giao mùa giữa mùa xuân và mùa hạ, khi thời tiết nóng bức dễ tạo điều kiện cho dịch bệnh, sâu bọ phát triển. Người xưa tin rằng trong ngày này, nếu thực hiện đúng các nghi lễ, con người sẽ được thanh lọc cơ thể, tiêu diệt mầm bệnh, và gặp nhiều điều may mắn.

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm 2025 sẽ vào thứ bảy, ngày 31/05. "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11h-13h, ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc Mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất.

2. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?

Tết Đoan Ngọ trong mâm lễ của mọi nhà không thể thiếu được những đĩa hoa quả đặc trưng của mùa như vải, mận,... và cơm rượu nếp hoặc rượu cẩm.

Trái cây

Tháng 5 Âm lịch là mùa của những trái vải, mận. Hương vị của trái cây ngọt bùi và chua thanh càng làm cho ngày Tết trở nên đậm đà.

Còn ở miền Nam, trái cây được ưa chuộng gồm xoài, chôm chôm, dưa hấu, vải,... vì đây là các loại trái cây đặc sản của vùng này. Khi bày cúng và ăn các loại quả này người dân nơi đây gửi gắm mong ước mùa màng sẽ tươi tốt, mầm bệnh bị tiêu diệt, cây trái sinh sôi nảy nở.

ttxvn-man.jpg

ttxvn-vai1.jpg

(Ảnh: TTXVN)

Hoa tươi

Việt Nam có rất nhiều loại hoa đẹp nhưng vào dịp Tết này loại hoa được ưa chuộng nhất để chưng trên bàn thờ là hoa sen. Hoa sen có vẻ đẹp thuần khiết, vừa thanh tao vừa e ấp.

Ngoài ra còn có nhiều loại hoa khác được bày lên mâm lễ cúng như hoa nhài, hoa cau, hoa mẫu đơn đỏ,...

Cơm rượu nếp cái hoặc rượu cẩm

Ở cả 3 miền của đất nước, người dân đều tin rằng ăn cơm rượu nếp cái/rượu cẩm và uống rượu vào ngày này giúp diệt sâu bọ.

Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái." Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.

ttxvn-nep cam1.jpg

ttxvn-nep cam2.jpg

Bánh gio

Bánh gio có nhiều tên gọi khác nhau như bánh ú, bánh ú tro và bánh âm và tùy theo vùng miền sẽ có nhiều biến thể và được gói dưới nhiều hình dạng khác nhau. Bánh được làm bằng gạo đã ngâm trong nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm và gói trong lá chuối.

Bánh có vị ngọt vừa, mềm dẻo, màu trong đặc trưng, dễ ăn, dễ tiêu, mát ruột. Nếu là bánh gio không nhân thường được ăn với mạch nha hoặc đường mật mía.

Thịt vịt

Vào một vài ngày trước và cả trong dịp mùng 5/5 hằng năm, hầu như các khu chợ ở miền Bắc và miền Trung luôn rộn rã việc mua bán vịt sống vì các gia đình thường làm nhiều món từ vịt.

Người miền Trung quan niệm rằng từ ngày 5/5 trở đi vịt đã bắt đầu vào mùa, béo, nhiều thịt hơn. Vì vậy hầu hết các gia đình sẽ chọn mua và chế biến các món ngon từ vịt như vịt luộc, vịt quay, vịt tiềm,...

Các loại chè

Hai món chè không thể thiếu trong ngày này là chè hạt sen và chè đậu đen - hai loại chè có tác dụng giải nhiệt tốt.

Thời tiết tháng 5 mưa nắng thất thường dễ gây ra các loại bệnh vặt, nên việc ăn chè trong ngày này được nhiều người lựa chọn để phòng bệnh và cầu mong mang lại sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn làm chè trôi nước. Những viên chè tròn đầy, đẹp mắt, vị thơm ngọt ngào lại mang nhiều ý nghĩa nên được nhiều đời con cháu dùng để dâng cúng lên đất trời, tổ tiên cầu mong vạn sự may mắn.

Chè kê là chè được nấu từ hạt kê đã loại bỏ lớp vỏ, ngâm rồi đun sôi đến khi nở mềm. Sau đó người ta thêm nước đường cùng chút gừng vào nồi hạt kê đang sôi là đã hoàn thành. Chè có kết cấu sền sệt, màu vàng ươm, thơm phức và ngọt ngào nữa.

che do den.jpg