NGHỆ THUẬT GIẤY DÓ
News

NGHỆ THUẬT GIẤY DÓ

Giấy dó là nghề thủ công truyền thống của Việt Nam từ xa xưa. Tuy nhiên, nhịp sống của xã hội hiện đại đang làm mất dần đi những giá trị văn hóa của xã hội. Bài viết sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về làng nghề giấy dó nổi tiếng một thời ở xứ kinh Bắc
Nguồn gốc của nghề giấy dó

Theo ghi chép lịch sử cho thấy, nghề giấy dó đã xuất hiện ở Trung Quốc cách đây 2.000 năm. Không lâu sau đó ở khoảng thế kỷ thứ III sau công nguyên, nghề giấy dó đã có mặt ở Việt Nam. 


Lúc đó, trong một lần vi hành đến phương Nam cùng với 13 người bạn, cụ Thái Luân - người sáng chế ra nghề giấy ở Đông Hán (Trung Quốc) thời Tần đã dừng lại dạy nghề cho người dân ở làng Yên Thái (ven Hồ Tây) và làng Đống Cao (xứ Kinh Bắc). 

Khi ông mất, người dân ở hai làng này đã tôn ông làm Tổ nghề để thể hiện lòng biết ơn ông đã truyền nghề cho người dân địa phương.

Ý nghĩa của giấy dó

Cũng như bao làng nghề truyền thống của người Việt, nghề làm giấy dó là một di sản vô giá. Được đánh giá là một trong những loại giấy bền nhất trên thế giới có tuổi thọ lên đến 500 - 600 năm, giấy dó đã từng được người Việt rất ưu ái trong đời sống của mình.

Những hiện vật lịch sử được trưng bày

Từ nghìn xưa, giấy dó được xem như là chất liệu để truyền đạt trí thức đất Việt. Người ta dùng giấy để học, làm thơ, viết chữ và truyền bá kiến thức trong xã hội. Ở thời đại phong kiến, tất cả văn thư hành chính như: chiếu, sớ, biểu, tấu, trạng, chế, độ điệp, sắc phong đều được thảo trên giấy dó. Trong đời sống văn hóa, giấy dó được sử dụng để viết câu đối, thư pháp, vẽ tranh thờ cúng, trang trí, ghi chép kinh Phật… Thông qua từng đường nét tinh tế trên giấy dó, người nghệ nhân đã âm thầm mang hồn cốt của dân tộc thể hiện trên từng tác phẩm.

 

Hình ảnh tư liệu những người phụ nữ làng Yên Thái bên tàu seo giấy được gia đình cụ Thiết lưu giữ. (Ảnh: Đỗ Linh Phương)

Ở Việt Nam có hai làng làm giấy dó nổi tiếng đó là làng nghề giấy dó Yên Thái nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội và làng nghề giấy dó Đống Cao nằm ở thôn Dương Ồ, xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ở những địa phương này, nghề giấy dó đã từng rất phát triển và thịnh vượng ở thế kỷ 18 và 19.

Nghề làm giấy dó là niềm tự hào của người nghệ nhân, nét tinh hoa của dân tộc Việt nhưng trước sự phát triển không ngừng của công nghiệp giấy hiện đại, làng nghề thủ công giấy dó đã không còn được duy trì như trước nữa. Vẻ đẹp của làng nghề giấy dó tuy mộc mạc, chân chất như vậy nhưng lại mang đậm nét đẹp truyền thống, văn hóa dân tộc.