Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Biểu tượng văn hoá của Việt Nam
News

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Biểu tượng văn hoá của Việt Nam

Nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội không thể không nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (tọa lạc tại số 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Trải qua hơn 1.000 năm với những biến thiên của lịch sử, Văn Miếu vẫn vẹn toàn được nét cổ kính, tôn nghiêm.

Công trình kiến trúc độc đáo

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc ấn tượng được xây dựng từ thời nhà . Với bề dày lịch sử cùng với nét kiến trúc cổ độc đáo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là một trong những di sản đặc biệt của quốc gia. Khu di tích này cũng là một trong những điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng được du khách gần xa mến mộ.

Cũng giống như nhiều công trình khác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám trải qua nhiều triều đại với những hưng thịnh, tàn suy cùng nhiều lần tu tạo, đổi tên mới có vị trí và không gian kiến trúc như hiện tại. Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là một minh chứng lịch sử mà còn trở thành một biểu tượng văn hoá của Việt Nam.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một khối kiến trúc cổ và độc đáo

Lối kiến trúc phương Đông với sự ảnh hưởng đậm đặc của Nho - Phật giáo thể hiện rõ nét trong từng chi tiết của không gian. Từ chất liệu (chủ yếu là gỗ lim, gạch nung và ngói mũi hài,…) cho đến những lớp ngói, hoa văn đều được trang trí một cách tỉ mỉ và sang trọng.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được biết đến là trường đại học đầu tiên của khu vực Đông Nam Á xây dựng tại kinh thành Thăng Long xưa, đây là nơi hội tụ những giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc.

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 (đời vua Lý Thánh Tông) là nơi thờ các thánh hiền đạo nho (Khổng Tử, Mạnh Tử…). Năm 1076, Lý Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám ở phía sau, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ. Đến đời Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (Hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp cho các hoàng tử.

Năm 1370, sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông đã cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Năm 2010, 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Hậu Lê và Mạc ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - địa điểm du lịch Hà Nội duy nhất được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất tại Hà Nội.

Quần thể kiến trúc nơi đây bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám. Trong đó, kiến trúc chủ thể là Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) và Quốc Tử Giám. Với hơn 700 năm hoạt động, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, Quốc Tử Giám là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến.

Không gian Văn Miếu được chia thành 5 lớp được gắn kết bởi các bức tường gạch có cửa thông. Khu vực thứ nhất từ Văn Miếu Môn (cổng vào Văn Miếu) vào là khu Nhập Đạo với 3 gian lợp ngói và 3 cổng chính là Đại Trung, Thành Đức và Đạt Tài.

Khu vực thứ 2 trong quần thể Văn Miếu là Khuê Văn Các. Sử sách ghi lại Khuê Văn Các được xây dựng từ năm 1805 với kiến trúc độc đáo - tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng trên bầu trời. Ngày nay Khuê Văn Các là hình ảnh biểu trưng cho Hà Nội cũng như nét đẹp văn hóa - kiến trúc Việt.

Tiếp theo Khuê Văn Các là khu Bia Tiến Sĩ. Nơi đây ghi danh 1.307 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi từ triều Lê (từ khoa thi 1442 đến thời Nguyễn). Bia Tiến Sĩ được chạm khắc tinh xảo bằng loại đá xanh trên lưng rùa tượng trưng cho sự biết ơn, tôn trọng tới các bậc kỳ tài của đất nước. Khu thứ tư trong nội tự Văn Miếu Quốc Tử Giám là là sân Đại bái. Trước đây nơi này thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng tử và thầy giáo nổi tiếng Chu Văn An. Cuối cùng là nhà Thái Học, chính là trường Quốc Tử Giám xưa. Tên Thái Học được vua Lê Hiển Tông đổi vào năm 1785 và được gọi cho đến ngày nay.

Rùa đá mang trên lưng tấm bia lớn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường bao quanh xây bằng gạch Bát Tràng. Bên trong khung tường, những mái kiến trúc cổ ẩn hiện dưới cành lá sum suê của những tán cây cổ thụ khiến cho nơi đây mang một cảnh sắc hoàn toàn khác biệt với bên ngoài, tạo sự thu hút đặc biệt đối với du khách.

Không gian văn hóa sáng tạo

Năm 1988, thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Kể từ đó đến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích này đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hạng mục như: Cổng Tam quan, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, giếng Thiên Quang... được tu bổ; việc tái dựng khu Nhà Thái học, phục dựng Phương đình trên gò Kim Châu - những hạng mục bị hư hỏng cùng thời gian - được các chuyên gia đánh giá cao. Mỗi năm khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Trình diễn thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục có những bước chuyển mình thành một không gian sáng tạo.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, chúng tôi thấy việc phát triển những không gian sáng tạo là cần thiết. Nhưng với một di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì triển khai thế nào cũng khá mông lung. Song, dần dần từng bước chúng tôi tìm ra giải pháp.

Trung tâm đang tích cực triển khai theo hướng đưa di tích trở thành không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo... để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Nhưng dù hoạt động như thế nào, thì nền tảng các hoạt động của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là tôn vinh đạo học, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám bây giờ không chỉ là một địa chỉ tham quan, mà từng bước trở thành một không gian văn hóa với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, điển hình như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về thầy giáo Chu Văn An - người thầy tiêu biểu của đất nước Việt Nam...

Trong đó, riêng mảng giáo dục di sản, thực hiện kế hoạch “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục tuyên truyền về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, Trung tâm đã xây dựng hơn 30 chủ đề giáo dục di sản và tổ chức cho hàng trăm đoàn học sinh các cấp đến trải nghiệm tại đây.

Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang đẩy mạnh số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho bảo tồn, quảng bá.

Hiện trung tâm đang triển khai việc xây dựng chương trình tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn, thí dụ như biểu diễn sân khấu thực cảnh với chủ đề Hành trình đạo học, trải nghiệm các sinh hoạt của trường Quốc Tử Giám kết hợp với trải nghiệm công nghệ thông qua kính thực tế ảo. Ứng dụng các công nghệ hiện đại: Chiếu 3D, thực tế ảo AR/VR, 3D Hologram, 3D Mapping để khách tham quan trải nghiệm những giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám...