Tranh làng Sình - Nét đẹp hội họa nức tiếng xứ Huế
News

Tranh làng Sình - Nét đẹp hội họa nức tiếng xứ Huế

Huế từ lâu luôn nổi danh với nhiều làng nghề lưu giữ những nét đẹp độc đáo của thế hệ cha ông xuôi theo dòng sông Hương trở về làng Sình - nơi có dòng tranh dân gian nức tiếng. Tranh làng Sình mang đậm nét đẹp đặc sắc của văn hóa làng xã xưa nơi xứ Huế, được đánh giá rất cao về giá trị nghệ thuật góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú cho dòng tranh dân gian của nước ta.

1. Đôi nét về làng Sình

Làng Sình Huế có địa chỉ ở thôn Lại Ân, xã Phú Mậu cách trung tâm Tp. Huế khoảng 10km về phía Bắc. Ngôi làng nằm ven sông Hương, liền kề ngã ba sông Hương hợp với sông Bồ.

Làng Sình hay còn có tên chữ là Lại Ân là một trong số ít nơi còn lưu giữ được nghề làm tranh truyền thống. Trước đây, làng Sình từng là trung tâm văn hóa của cố đô và đã nhiều lần được nhắc đến trong Ô Châu Cận Lục như một điểm giao thương sầm uất

2. Đặc điểm tranh làng Sình Huế có gì nổi bật?

Tranh làng Sình thường được sáng tác theo chủ đề riêng, bao gồm 3 nhóm chính: tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Các chủ đề này được lấy cảm hứng từ hoạt động văn hóa, lễ hội, sinh hoạt và lao động của dân làng.

Tranh làng Sình mang phong cách và nét độc đáo riêng

Nét đặc biệt của dòng tranh này là được làm từ giấy mộc. Để làm nên loại giấy này, người dân làng Sình đã phải đến Phá Tam Giang để lấy sò điệp mang về giã thành bột rồi đem trộn với hồ, sau đó quét lên giấy gió tạo thành giấy in tranh chất lượng. Bên cạnh đó, màu sắc cũng góp phần tạo nên điểm nhấn. Màu sắc của tranh làng Sình đa dạng, với đầy đủ các màu: cam, xanh, đỏ, vàng, tím, đen,… được chế tạo từ cây cỏ theo bí quyết riêng.

3. Quy trình tạo nên tác phẩm tranh dân gian làng Sình

Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Giấy dó được quét điệp cho dai, giữ màu. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang rồi người làm tranh phải tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy


Hoà sắc giữa vàng với chàm, đỏ với bích ngọc, xanh với hoả hoàng, phí thuỷ với hổ phách. Bức tranh khi hoàn thành sẽ lấp lánh bởi vỏ điệp, nền nã bởi chất màu thô mộc, quyến rũ và quan trọng hơn cả là khi bức tranh đến tay người sử dụng đã ẩn chứa một cái gì đo thiêng liêng của cõi tâm linh.

4. Ghé thăm quan và trải nghiệm làm tranh tại làng Sình

Gắn liền với nghề tranh đặc biệt này, làng Sình đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, đặc biệt là du khách nước ngoài tò mò về loại tranh đặc biệt của Việt Nam. 

Nhiều du khách còn thử tự vẽ cho mình những bức tranh riêng. Đây cũng là một hoạt động quảng bá du lịch, quảng bá sản phẩm làng nghề. Và cũng là mong ước của những người dân làng Sình để có cơ hội gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề cũ cha ông.