Tìm hiểu những dòng gốm sứ nổi tiếng Việt Nam hiện nay
News

Tìm hiểu những dòng gốm sứ nổi tiếng Việt Nam hiện nay

Gốm sứ là một trong những chất liệu quen thuộc của người Việt Nam. Gốm sứ ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn bởi nét đẹp sang trọng, tinh tế lại có tính đảm bảo cao về độ an toàn sức khỏe. Bằng đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo không ngừng của những nghệ nhân, gốm đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang đậm tính dân gian sâu sắc. Cùng với những bước đi thăng trầm của đất nước, gốm Việt vẫn tồn tại và phát triển, đem lại rất nhiều tiện ích cho đời sống

1. Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Làng gốm Bát Tràng có lẽ đã không còn xa lạ với những người con xứ Hà Thành. Nơi đây sinh ra những người con ưu tú, những thế hệ nghệ nhân với đôi tay vàng điêu luyện, đã nối tiếp và gìn giữ chất nghề quý mà cha ông để lại.

Trải qua nhiều biến cố, làng gốm xưa vẫn bám trụ vững chắc, ngày càng phát triển. Ngày nay, làng gốm Bát Tràng nằm tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Gốm Bát Tràng

Qua thời gian, gốm Bát Tràng vẫn giữ được những dòng men cổ. Công đoạn tạo dáng đều được làm bằng tay nên xương gốm khá dày, cứng cáp, cầm chắc tay. Lớp men đặc trưng thường ngả màu ngà, đục. Bên cạnh đó còn có một số dòng men riêng độc đáo chỉ có tại Bát Tràng như men xanh, men rạn.

Một mặt tập trung vào mảng chế tác phục hồi các vật phẩm cổ thời phong kiến, một mặt đẩy mạnh phát triển về cả chất lượng và kiểu dáng, không ngừng vươn xa và xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á. Gốm sứ Bát Tràng hiện là thương hiệu và làng nghề truyền thống còn phát triển bền vững nhất hiện nay.

Đặc trưng của sản phẩm gốm Bát Tràng là họa tiết thủ công tỉ mỉ, sắc màu tươi sáng và đa dạng, cùng với sự tinh xảo trong việc kết hợp các kỹ thuật truyền thống với xu hướng hiện đại

Một vài mẫu gốm trang trí độc đáo

2. Gốm Chu Đậu ( huyện Nam Sách, Hải Dương)

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XII – XIII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI trong suốt thời kỳ Lý – Trần – Lê – Mạc. Sang thế kỷ XVII gốm Chu Đậu bị thất truyền. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu được thể hiện ở kiểu dáng, màu men và những hoa văn họa tiết tinh xảo thể hiện bản sắc văn hóa thuần Việt, phản ánh trung thực nền văn minh của đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Cho đến năm 2001, gốm Chu Đậu được nỗ lực nghiên cứu và phục hồi lại kỹ thuật, chất men, kiểu dáng. Từ đó dần trở mình mạnh mẽ tiếp bút viết lại thời hoàng kim cho làng gốm Chu Đậu

Làng gốm Chu Đậu

Gốm ở đây làm từ đất sét trắng vùng Trúc Thôn thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Để gốm đạt được độ trong thuần khiết, người thợ phải lấy đất sét đem đi hòa trong nước và lọc. Sau đó mới đến quy trình làm gốm.

Vì vậy, gốm làng Chu Đậu có chất men trắng rất trong. Hoa văn xanh lam nhờ sử dụng men trắng chàm. Hoa văn đỏ nâu, xanh lục vàng nhờ sử dụng men tam thái. Kiểu dáng và họa tiết của hoa văn được thể hiện qua nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi đều phóng khoáng, chân tình. 

3. Gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh)

Làng Gốm Phù Lãng, là một trong những ngôi làng gốm sứ truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Những sản phẩm của gốm Phù Lãng chủ yếu là đồ gia dụng làm từ đất sét đỏ và được tạo hình thủ công trên bàn xoay.

Làng Gốm Phù Lãng nổi tiếng với sự độc đáo của gốm men da lươn, một loại gốm có các gam màu đa dạng từ nâu, nâu đen, vàng nhạt đến vàng thẫm

Thợ làm gốm ở Phù Lãng thường sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong làm cho mỗi sản phẩm được tạo ra đều mang trong nó vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa bản địa rất đậm đà.

Làng gốm Phú Lãng

4.Gốm sứ Thanh Hà (TP.Hội An, Quảng Nam)

Làng Gốm Thanh Hà, với tuổi đời hơn 500 năm, là một trong những ngôi làng gốm sứ truyền thống của Việt Nam vẫn nổi tiếng với sự độc đáo của các sản phẩm gốm đất nung

Với nguyên liệu dân dã từ địa phương, người thợ lấy đất sét nâu dọc sông thu Bồn làm chất liệu chính. Loại đất sét nâu này có độ dẻo và kết dính cao

So với những mặt hàng tương tự đến từ các địa phương và thương hiệu khác, gốm sứ Thanh Hà cầm lên nhẹ nhàng khác hẳn. Điều đặc biệt của dòng sản phẩm này chính là được tạo thành từ loại đất sét nâu dọc sông Thu Bồn, mềm dẻo và kết dính cực cao. Hầu hết những sản phẩm của làng gốm Thanh Hà cho ra màu cam thẫm, nâu đỏ nhẹ và xương gốm xốp. Các sản phẩm được tạo bằng khuôn và trang trí khắc lộng.

Làng Gốm Thanh Hà

5. Gốm sứ Bầu Trúc (Ninh Thuận)

Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa và có tuổi đời lâu nhất tại khu vực Đông Nam Á và vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Chính vì vậy, nơi đây đã được xếp vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Những sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công với cách nung độc đáo, riêng biệt chỉ nơi đây mới có. Những nghệ nhân làm gốm Bàu Trúc chủ yếu sử dụng sức tay, sức người nặn nên nhiều hình thù khác nhau như bình hoa, nồi đất,...Gốm Bàu Trúc không nung trong lò mà nung ngoài trời bởi củi và rơm từ 700 – 900 độ C.

Làng gốm Bàu Trúc - Một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á @sưu tầm

Các sản phẩm gốm ở đây đều sử dụng màu phun từ tự nhiên làm bằng trái dông hoặc trái thị. Chính vì vậy, gốm Bàu Trúc luôn có màu sắc đặc trưng là vàng đỏ, đỏ hồng hoặc đen xám. Kèm theo là những vệt nâu tạo một vẻ đẹp độc đáo cho những sản phẩm gốm tại nơi đây.

6. Gốm Bình Dương (gốm Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, Thủ Dầu Một)

Làng Gốm Lái Thiêu – Tân Phước Khánh – Thủ Dầu Một (Bình Dương) xuất hiện kế thừa tinh hoa của gốm Cây Mai vào cuối thế kỷ 19. Nhờ vào nguồn đất sét cao lanh và nguyên liệu củi đốt dồi dào sẵn có nên đã hình thành nên làng gốm sứ.

Tuy nhiên, ngày nay, Gốm Lái Thiêu đã không còn tồn tại. Thay vào đó là sự phát triển theo quy mô công nghiệp và xu hướng thị trường. Vậy nên, những dấu tích cũ của làng gốm Lái Thiêu hầu như không còn. Lúc gốm Lái Thiêu hưng thịnh, tất cả các sản phẩm đều được làm bằng tay và nung bằng lò củi truyền thống. Vết tích để lại chỉ cho biết gốm Lái Thiêu chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt thường ngày ở vùng Đông Nam Bộ.

Gốm Bình Dương

Được xem như là một cụm làng gốm, nhiều thương hiệu lớn đến từ các nước bạn cũng thi nhau xây dựng và đặt nhà máy tại Bình Dương, những làng gốm Lái Thiêu – Tân Phước Khánh – Thủ Dầu Một cũng đang dần dần khẳng định tên tuổi của mình. Với mục tiêu phục vụ cho người tiêu dùng trong nước, không ngừng nâng cao kỹ năng để tiến tới giấc mơ xuất khẩu sang nước ngoài, làng gốm Bình Dương đang dần chuyển mình mạnh mẽ, vừa giúp đất nước ngày càng phát triển, vừa không làm mai một những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha xưa.

7. Gốm Biên Hoà - Đồng Nai

Theo các tài liệu cũ ghi chép lại, nghề gốm thủ công ở Đồng Nai đã có từ nửa cuối thế kỷ 19. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20 - khi Trường Dạy nghề Biên Hòa (hiện là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) xuất hiện - gốm Đồng Nai mới thật sự ra đời.

Gốm Biên Hòa được làm từ cao lanh và đất sét màu. Những sản phẩm chủ yếu là chậu, voi, con thú hay tượng. Nét đặc trưng của gốm Biên Hòa là gam màu tươi tắn, hoa văn họa tiết rực rỡ, mang lại cảm giác đầm ấm, tươi vui cho người xem. Hoa văn trên gốm Biên Hòa chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp khắc chìm hoặc khắc chìm kết hợp với chạm lộng và màu men tạo nên một sản phẩm độc đáo, tinh xảo.

Gốm Biên Hòa gây ấn tượng với màu sắc rực rỡ và hoa văn, họa tiết được khắc chìm mang nhiều ý nghĩa

Nhờ đó, gốm Biên Hòa sớm định hình được tên tuổi trên thị trường, được mang đi giới thiệu tại nhiều nước và giành các giải thưởng lớn như Huy chương vàng tại Triển lãm Quốc tế Paris (1925 và 1933), tham dự triển lãm tại Nagoya (Nhật Bản, năm 1937), Bangkok (Thái Lan, năm 1953 và 1955), PhnomPenh (Campuchia, năm 1957)...

>>>Gợi ý: Mẫu đầm xinh tôn dáng

8. Gốm sứ Tân Vạn (TP. Hồ Chí Minh)

Khi cù lao Phố bị tàn phá (1777-1778), thì nghề gốm ở Biên Hòa đã bị mai một đi, một số thợ gốm chạy về Chợ Lớn sản xuất gốm Cây Mai, một số qua Tân Vạn lập làng gốm Tân Vạn.

làng nghề gốm tân vạn

Nằm ở phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, làng gốm Tân Vạn đã ngót nghét đến gần 300 tuổi. Số tuổi truyền nối bao nhiêu kiếp người, ấy vậy mà những nghệ nhân nơi đây vẫn bền chí với hòn đất, ngọn lửa, không ngừng học tập và sáng tạo mới mẻ dựa trên những nét tinh hoa của nền gốm sứ xưa. Dù đã trải qua nhiều lần di chuyển địa điểm, nhưng những nghệ nhân nơi đây vẫn không ngừng cố gắng tiếp tục duy trì tổ nghiệp, tạo dựng chỗ đứng cho thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

9. Gốm Gò Sành

Cũng là một làng gốm theo phong cách Champa cổ, làng gốm Bình Định có quy mô tương đối lớn, nhiều sản phẩm đa dạng, mẫu mã tinh tế và chất lượng. Đồng thời, sản phẩm của Gốm Gò Sành được đánh giá cao ngang tầm với những sản phẩm gốm Champa được chế tác tại các xưởng gốm nổi tiếng của Trung Quốc và Thái Lan. Có thể nói rằng, việc khai quật nghiên cứu gốm Chăm được xem như thành tựu đáng ghi nhận của ngành khảo cổ học Việt Nam. Từ những thành tựu nghiên cứu này, gốm Gò Sành hay nói rộng ra gốm cổ Bình Định đã làm phong phú thêm những nhận thức về đồ gốm trên thế giới.

 

Gốm Gò Sành

10. Làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên – Huế)

Nguyên liệu chủ yếu để tạo ra những sản phẩm gốm sứ tại làng gốm Phước Tích là từ loại đất sét màu xám đen, khá dẻo và dính. Làng nghề này chủ yếu sản xuất gốm gia dụng như lu, chậu, nồi đất, ấm…Với hoa văn đơn giản, hoa tiết bình dị.

Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống. Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau. Các sản phẩm sau khi nung mặc dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu.

Gốm Phước Tích

Phương thức làm gốm của người thợ Phước Tích rất thô sơ như thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xoay hoàn toàn bằng thủ công và tạo hình hoàn toàn bằng tay. Lò nung được dùng chủ yếu là lò sấy và lò ngửa. Gốm Phước Tích từ xưa là làng nghề phục vụ cho Hoàng gia nhà Nguyễn. Nhưng theo thời gian đã dần suy tàn. Hiện tại, các nhà chức trách đang nỗ lực khôi phục làng nghề Phước Tích theo hướng sản xuất mỹ nghệ, nhưng chưa có kết quả khả quan.