Quy trình để làm nên một chiếc nón lá
1. Ý nghĩa chiếc nón lá
Chiếc nón với người Việt là một vật đã gắn liền với người Việt qua nhiều thế kỷ, đi đâu cũng thấy những chiếc nón xinh xắn. Chiếc nón không chỉ che nắng, che mưa, che những nhọc nhằn của các bà, các mẹ trên đồng ruộng, mà còn để làm duyên, làm dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Vì quá đỗi thân thuộc nên có khi ta thấy nó khá “tầm thường”, và chỉ khi đến tận nơi làm ra những chiếc nón lá ta mới thấy sự kỳ công và công sức để làm ra được một chiếc nón hoàn toàn bằng thủ công.
2. Nguyên liệu cần có để làm ra được chiếc nón
Các nguyên liệu làm nón gồm có lá, vòng, mo và các phụ kiện như kim, cước, guột… Trải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá. Vòng nón là một bộ phận không thể thiếu của chiếc nón. Với chiếc nón Chuông sẽ có 16 vòng ở mặt trong của nón.
Liếc cũng là một phần quan trọng làm nên chiếc nón chắc và đẹp. Cây liếc hay còn gọi là cây lòng bông do người làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên mua và đem bán ở chợ Chuông. Ruột liếc là guột – thứ dùng để nối hai đầu vành nón và giữ cho vành nón được tròn và bền.
Vật liệu làm nón ở chợ Chuông (nguồn: internet)
Nguyên liệu để khâu nón là cước, có rất nhiều loại: cước to màu đỏ thường được dùng để khâu vành nón, cước nhỏ màu trắng được dùng để khâu các vòng nón. Trước khi mọi người thường hay dùng móc và dứa để khâu nón. Nhưng đến những năm 80 của thế kể 20 thì người làng dùng cước bởi những ưu điểm vượt trội của nó không chỉ là giúp người dân khâu nhanh hơn mà màu trắng của cước lại tôn thêm vẻ đẹp cho chiếc nón lá. Bên cạnh cước có sợi luồn nhôi. Sợi này được làm bằng ren mua từ làng Triều Khúc dùng để thêu hai bên nón làm hai đầu quai nón giúp giữ nón chắc hơn.
Khuôn vòng, cước, chỉ màu, lá lụi làm nón (nguồn: internet)
3. Quy trình làm nón lá gồm các bước như sau.
Bước 1 : Làm khuôn nón.
Bước này rất quan trọng để sau này bạn có tạo ra được một chiếc nón tròn đều và đẹp là ở bước này.Đầu tiên bạn dùng ống tre dài chừng 50- 60cm chẻ ra thành các thanh nan có bề dày 1,5cm bề dẹt thanh là 0,5cm làm 8 thanh và chuốt mịn nó.Tiếp theo dùng dao khắc các rảnh đều lên thanh tre này. Các rảnh này là để uốn vành nón sau này và cũng là để cố định vành nón để bạn đặt lá lên vành ( làm bao nhiêu vành nón thì làm bấy nhiêu rảnh,nón người lớn thì thông thường chia làm 16 vành).Tiếp theo chẻ 1 thanh tre chuốt tròn đủ dài để làm một vòng tròn đường kính khoảng chừng 40cm – 50cm.
Chia đều các khoảng trên vòng tròn tre và dùng dây cước hoặc dây dù cố định 8 thanh tre mình vừa khắc rảnh nó lại,sau đó chụm các chóp nan tre lại để tạo thành 1 đỉnh bằng sợi cước hay sợi dù (bạn dùng dao vuốt nhọn như ảnh dưới để chóp đỉnh có độ nhọn nhất). Vậy là bạn có được một chiếc khung nón hoàn chỉnh để cho bước tiếp theo.
Mặt trên của khuôn nón
Tạo khuôn nón lá hoàn chỉnh
Bước 2 : Làm kiềng vành lên khuôn nón.
Tiếp đến là công đoạn làm kiềng vành lên bộ khuôn nón.Bạn chẻ các nan tre và chuốt tròn vành dưới thì to và nhỏ dần các vành cho đến đỉnh nón. Mục đích cũng là tạo độ cứng cho nón và cũng là dễ dàng cho bạn uốn nắn vòng tròn. Vành càng lớn thì nan phải to và chắc hơn,dần nhỏ lại cho đến đỉnh nón. Bạn dùng các sợi chỉ cước nhỏ để cuốn các vòng tròn này lại. Sau khi đã làm hoàn thiện bộ vành nón thì chúng ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo.
Làm kiềng vành tròn nón lá
Bước 3 : Đặt xoay lá lên khuôn nón.
Ở bước này bạn phải cắt tỉa lá gọn gàng trước khi xếp lên khuôn,sau khi cắt tỉa lá xòng tới bước đặt lá.Công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận nhất là khi đặt xoay lá trên khuôn.Người làm nón phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp. Đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước rồi mới xoay các lớp lá bên ngoài, làm cho lúc nào đạt đều và phủ kín bề mặt của khuôn nón. Sau khi xoay đầu nón xong, người ta dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng.
Đặt và xoay lá lên vành khuôn nón
Bước 4 : Dùng kìm chỉ để chằm nón.
Sau khi đã hoàn thành công đoạn xoay lá trên khuôn,người thợ bắt đầu chằm nón.Công đoạn này tương đối dễ.Chỉ cần đi các mũi kim đều,khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải,không xa quá là đã đạt yêu cầu.Tùy theo khoảng cách của từng mũi kim mà người ta phân biệt ra nón thưa và nón dày.Chọn mua một chiếc nón đẹp dựa trên việc một chiếc nón ấy có bền hay không,đan dày hay thưa,vành vót vừa hay nhỏ.
Dùng kim chỉ khâu để chằm nón
Bước 5: Nức vành và buộc quai nón
Công đoạn cuối cùng là nức vành, người thợ làm sẽ vót một đến hai cọng nan trúc có thân dẹp nhỏ dài dễ uốn cong, cặp vào vành nón số 16 (vành cuối ) để khi nức vành nón được tròn và chắc chắn,nón sử dụng được lâu bền. Chỉ màu được buộc khéo léo vào hai bên vành nón để tạo móc quai nón. Thông thường người ta hay dùng chỉ len. Và dùng một sợi dây quai nón tầm 60cm để buộc kết nối 2 bên móc quai, mục đích đội đầu giữ cho nón trên đầu không rơi.
Nức vành nón lá
Buộc quai nón lá
Nhìn chung, quy trình sản xuất nón lá làng Chuông hiện nay không có nhiều thay đổi so với quy trình sản xuất truyền thống nhiều đời nay về mặt nguyên lý thực hiện. Chỉ có một số thay đổi hiện đại hơn liên quan đến vật liệu để hỗ trợ việc thao tác thuận tiện hơn như các vật liệu khâu nón (chỉ, cước, kim), vật liệu vật liệu trang trí nón (dầu phủ bóng, chỉ luồn nhôi để buộc quai nón)…