Khám phá làng nghề làm lồng đèn Hội An
1. Tìm hiểu về làng nghề làm đèn lồng tại Hội An
Chiếc đèn lồng phố Hội là kết tinh văn hoá Việt - Hoa - Nhật ở nơi thương cảng sầm uất từ hơn 400 năm trước. Nhiều người cho rằng, đèn lồng có mặt ở Hội An là do những người Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông mang theo khi đến đây sinh cơ lập nghiệp. Họ mang theo đèn lồng treo trước cửa nhà để thoả nỗi nhớ cố hương, rồi dần lan toả tạo nên tập quán đặc trưng.
Hành trình 400 năm làng nghề đèn lồng phố cổ Hội An
Năm 2011, nghề làm đèn lồng Hội An đã được vinh danh là một trong 9 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam bởi Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Sự công nhận này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm đèn lồng mà còn tôn vinh những nghệ nhân giữ gìn và phát huy di sản truyền thống của quê hương.
2. Đèn lồng hội an, nét đẹp phố hội
Nhắc đến Hội An, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh khu phố cổ được thắp sáng lung linh bằng những ngọn đèn lồng đủ màu sắc, tạo nên khung cảnh nên thơ đáng nhớ. Chính điều này khiến cho đèn lồng trở thành một đặc điểm nhận biết, ghi dấu trong lòng du khách mỗi khi nghĩ đến Hội An.
Nhằm góp phần quảng bá và tạo nên thương hiệu cho phố cổ Hội An, nhiều cơ sở đèn lồng có xưởng nằm ngay tại khu vực phố cổ, rất dễ dàng cho du khách tham quan và mua sắm.
Phố đèn lồng Hội An lúc nào cũng tấp nập, đông đúc, nhộn nhịp
Đèn lồng Hội An đa dạng về hình dáng, màu sắc cũng như mẫu mã. Nào là đèn lục giác, hình tròn, bát giác, hình dù, hình trái bí, hình con cá… Tùy chất liệu vải bên ngoài mà đèn sẽ có những loại ánh sáng khác nhau.
Mỗi màu sắc đèn lồng cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, màu xanh dịu dàng ngọt ngào, màu vàng tươi tắn hay màu gấm huyết dụ kiêu sa. Du khách đến du lịch phố cổ đều có thể mua đèn lồng và các loại đặc sản Hội An làm quà nổi tiếng cho người thân.
3. Tìm hiểu lễ hội đèn lồng Hội An – nét văn hóa đặc trưng phố Hội
Lễ hội đèn tại Phố đèn lồng Hội An được tổ chức vào các ngày 14 âm lịch hằng tháng và rực rỡ nhất là vào ngày rằm Trung Thu. Khi đến với Phố đèn lồng vào những dịp đặc biệt này, bạn sẽ cảm nhận được một Hội An tươi sáng hơn, lung linh hơn nhờ những sắc đỏ, vàng, xanh từ những chiếc đèn lồng treo trên phố.
Lễ hội đèn lồng diễn ra từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối và tại đây còn diễn ra rất nhiều hoạt động thú vị đảm bảo sự thú vị, mới mẻ cho chuyến đi của bạn.
Lễ hội đèn lồng sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn bình yên nhưng không kém phần lãng mạn
Lạc vào không gian cổ tích, có thể tìm gặp từ những quán mì Quảng, cao lầu nóng hổi thơm ngon bên chiếc đèn dầu le lói sáng, các hàng quán bán nước uống ven sông đến những làn điệu hò khoan, bài chòi hay ngâm thơ, đối đáp làm rộn ràng cả một khu vực…
Một điều không kém thú vị là hội thả đèn trên sông Hoài - được tự do thả những chiếc đèn hoa làm bằng giấy xuống mặt nước, biến cả một đoạn sông thành những nét chấm phá lung linh xao động giữa màn đêm…
4. Trải nghiệm du lịch tại làng nghề
Trải nghiệm du lịch tại làng nghề đèn lồng phố cổ Hội An mang đến những hoạt động thú vị và độc đáo:
Tham quan xưởng sản xuất bạn sẽ được dẫn dắt qua từng bước của quy trình làm đèn lồng, từ việc lựa chọn tre già, xử lý và chế tạo khung, đến việc bọc vải và hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, bạn cũng được trò chuyện với những thợ thủ công kỳ cựu, tìm hiểu về lịch sử và kỹ thuật làm đèn lồng, cũng như những câu chuyện thú vị về nghề truyền thống này.
Quy trình tạo nên một chiếc đèn lồng Hội An gồm 3 bước chính như sau:
- Bước 1: Sử dụng nan tre để định hình khung và được kết nối bằng những sợi dây dù.
- Bước 2: Cắt vải theo kích thước của đèn, sau đó bôi keo và dán quanh khung. Dùng kéo để cắt tỉa những phần thừa.
- Bước 3: Vẽ trang trí lên chiếc đèn lồng Hội An.
Trải nghiệm tự làm lồng đèn
Dưới sự hướng dẫn của các thợ lành nghề, bạn sẽ tự tay thực hiện các công đoạn như tạo khung, dán vải, và trang trí đèn lồng. Bạn có thể thỏa sức sáng tạo và thiết kế chiếc đèn lồng theo phong cách và sở thích riêng của mình, từ màu sắc đến hoa văn.