Các bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về các bệnh lý viêm đường hô hấp trên (cúm, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...) đã gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm. Theo số liệu thống kê, trung bình một đứa trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp trên từ 4 – 6 lần trong một năm, điều này khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.
Bệnh giao mùa ở trẻ là gì?
Bệnh giao mùa ở trẻ là nhóm bệnh xuất hiện phổ biến trong thời điểm giao mùa (ví dụ xuân hè, thu đông). Đây là thời điểm nhiệt độ thay đổi, chênh lệch giữa ngày và đêm, độ ẩm không khí giảm, ít gió,… làm cho cơ thể tiêu tốn năng lượng nhiều hơn, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
Mặt khác, các điều kiện môi trường thay đổi lúc giao mùa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch các bé chưa hoàn thiện và sức đề kháng yếu.
Các bệnh thường gặp khi giao mùa là cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, sởi, thuỷ đậu, viêm màng não, bệnh đau mắt đỏ, viêm xoang, dị ứng… Do vậy, các gia đình cần chú ý thực hiện những biện pháp phòng bệnh trong thời điểm giao mùa.
1. Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em
Hệ hô hấp được tính bắt đầu từ cửa mũi trước đến các phế nang trong phổi. Trong đó đường hô hấp trên bao gồm: Mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Chức năng của hệ hô hấp trên là nhận lấy không khí từ bên ngoài, làm ẩm không khí, sưởi ấm và lọc trước khi đưa vào phổi. Sau đó hệ hô hấp dưới sẽ thực hiện các chức năng lọc và trao đổi khí.
Viêm đường hô hấp trên là tên gọi tổng hợp của nhiều bệnh lý khác nhau, từ mũi xuống ngã ba hầu họng, chủ yếu là viêm mũi, viêm họng, viêm hệ thống bạch huyết họng ở trẻ nhỏ (viêm VA), viêm tai. Viêm hô hấp trên có thể tự khỏi hoặc phải điều trị hoặc có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi). Có thể thấy hệ hô hấp trên là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với các bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc... do đó nó vô cùng nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh.
Đường hô hấp trên
Đối tượng dễ mắc viêm đường hô hấp trên phải kể đến là trẻ em, người cao tuổi, người bệnh bạch cầu, người bệnh suy giảm miễn dịch... Hiện nay, trong thời tiết giao mùa, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn còn lơ là và chủ quan với bệnh vì nghĩ rằng đây là bệnh đơn giản, không đáng ngại. Tuy nhiên, viêm đường hô hấp trên ở trẻ không chỉ dừng lại ở các vấn đề như viêm phế quản, viêm phổi, mà nguy hiểm hơn là suy hô hấp và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.
2. Cảm lạnh thông thường
Bệnh cảm lạnh thông thường hay cảm lạnh là tình trạng nhiễm virus cấp tính ở đường hô hấp trên, ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp của mũi, họng, xoang và thanh quản. Nếu trẻ bị cảm lạnh trong thời gian dài và không được điều trị triệt để, bé có thể gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng tai, hen suyễn, viêm xoang, viêm phổi, v.v. Đây là một trong các bệnh giao mùa ở trẻ em thường mắc phải.
Triệu chứng nhận biết trẻ bị cảm lạnh bao gồm:
- Các triệu chứng ban đầu của cảm lạnh thường là ngứa cổ họng, sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi;
- Bé cũng có thể thấy mệt mỏi, đau họng, ho, nhức đầu, sốt nhẹ, đau cơ và chán ăn;
- Nước mũi bị đặc lại, có màu vàng hoặc xanh.
Điều trị trẻ bị cảm lạnh thông thường:
Bé bị cảm lạnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, độ tuổi và thể trạng của bé mà các bác sĩ có thể cho bé uống thuốc paracetamol (acetaminophen) để hạ sốt và giảm đau nhức, bé có thể bổ sung vitamin C, kẽm nguyên tố để tăng cường sức đề kháng.
Hướng dẫn chăm sóc bé bị cảm lạnh mau khỏi:
- Đảm bảo bé uống đủ nước;
- Cho bé thời gian nghỉ ngơi;
- Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá;
- Dùng nước muối sinh lý để giảm nghẹt mũi cho bé.
3. Viêm họng
Viêm họng là triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ, nguyên nhân chủ yếu là do bé bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Các loại virus như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp là tác nhân phổ biến khiến trẻ bị viêm họng, ngoài ra còn có influenza, enterovirus và adenovirus. Với vi khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm A là tác nhân phổ biến nhất, có khoảng 30% trẻ em bị viêm họng là do nhiễm liên cầu khuẩn. Các nguyên nhân khác gây viêm họng không liên quan đến nhiễm trùng bao gồm thói quen thở bằng miệng (đặc biệt là trong mùa lạnh) và bị viêm mũi dị ứng.
Các triệu chứng khi trẻ bị viêm họng bao gồm:
- Nếu bé viêm họng do virus, các triệu chứng có thể bao gồm sổ mũi và nghẹt mũi, kích ứng hoặc đỏ mắt, ho, khàn giọng, đau nhức vòm miệng, phát ban trên da hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ bị nhiễm virus có thể bị sốt và khó chịu.
- Nếu bé bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và gây sốt (nhiệt độ ≥ 38°C), nhức đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm sưng hạch ở cổ, mảng mủ trắng ở phía sau hoặc hai bên cổ họng, những đốm đỏ nhỏ trên vòm miệng và sưng lưỡi gà.
Điều trị trẻ bị viêm họng:
Việc điều trị viêm họng tùy thuộc vào nguyên nhân gây triệu chứng. Nếu viêm họng là do liên cầu khuẩn, trẻ sẽ cần được điều trị bằng kháng sinh. Nếu viêm họng do virus, trẻ chỉ cần nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và các biện pháp khác để giảm triệu chứng.
Hướng dẫn chăm sóc bé bị viêm họng mau khỏi:
Ba mẹ cần đảm bảo bé được nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuân theo phác đồ điều trị và chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ. Đồng thời, hãy vệ sinh sạch sẽ phòng ngủ của bé, đảm bảo không gian ngủ và sinh hoạt của bé thoáng mát, đủ độ ẩm
4. Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc của các ống thở lớn trong phổi bị viêm (sưng đỏ). Bệnh có thể diễn ra trong ngắn hạn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính). Viêm phế quản cấp tính thường do virus gây ra, bé có thể bị viêm phế quản cùng lúc hoặc sau khi bị cảm lạnh hoặc do mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Đây là một trong những bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp nhất.
Các triệu chứng khi trẻ bị viêm phế quản bao gồm:
Viêm phế quản cấp tính thường khởi phát bằng những cơn ho khan, khó chịu do viêm niêm mạc ống phế quản. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Ho có đờm đặc màu trắng, vàng hoặc xanh lục;
- Cảm thấy khó thở;
- Đau nhức hoặc cảm giác tức ngực;
- Thở khò khè (tiếng huýt sáo hoặc tiếng rít khi thở);
- Đau đầu, ốm yếu, sốt và ớn lạnh.
Viêm phế quản mạn tính có những triệu chứng như sau:
- Hơi thở nặng nề;
- Khò khè, cảm thấy khó thở và ho nhiều;
- Mất nhiều thời gian hơn bình thường để hồi phục sau khi bị cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp khác.
Điều trị trẻ bị viêm phế quản:
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi, thể trạng của bé và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu các triệu chứng không quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị chăm sóc tại nhà kèm uống thuốc hạ sốt, giảm đau hoặc giảm ho nhằm giảm bớt các triệu chứng.
Cách chăm sóc bé bị viêm phế quản mau khỏi:
- Nghỉ ngơi nhiều;
- Bổ sung đủ dịch cho bé;
- Theo dõi và cho bé quay lại gặp BS điều trị khi có các dấu hiệu nặng như: khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, bỏ ăn, ăn kém, nôn tất cả mọi thứ, tím tái, co giật, trẻ mệt lả.
5. Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp cũng là một bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp, bệnh này thường do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Trong đó Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm vi khuẩn, do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và bị nhiễm trùng không liên quan đến hệ thống đường tiêu hóa. Bệnh tiêu chảy cấp có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách.
Các triệu chứng khi trẻ bị tiêu chảy cấp bao gồm:
- Đi phân lỏng, nhiều nước hoặc có chất nhầy;
- Gia tăng bất thường số lần đi tiêu ở trẻ: trẻ sơ sinh đi ngoài trên 10 lần/ngày và trẻ từ 1 tuổi đi ngoài trên 3 lần/ngày có thể báo hiệu vấn đề tiêu chảy;
- Nôn ói, đau bụng, chán ăn dẫn đến tình trạng mất nước.
Điều trị trẻ bị tiêu chảy cấp:
Việc điều trị tiêu chảy cấp phụ thuộc vào nguyên nhân gây triệu chứng tiêu chảy.
- Tiêu chảy cấp do virus không có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu, trẻ cần được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ (bù đủ dịch, chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi, hạn chế thức ăn nhiều mỡ và đường đơn, nghỉ ngơi).
- Tiêu chảy cấp do vi khuẩn có thể cần sử dụng kháng sinh. Nếu các triệu chứng không nghiêm trọng, bác sĩ sẽ hướng dẫn biện pháp hỗ trợ để bệnh tự cải thiện theo thời gian.
- Tiêu chảy do tác dụng của thuốc kháng sinh có thể cần phải trao đổi với bác sĩ để biết bé có cần phải ngừng sử dụng thuốc hay không, ba mẹ tuyệt đối không tự ý cho bé ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách chăm sóc bé bị tiêu chảy cấp:
- Duy trì cữ bú và bữa ăn cho trẻ, mẹ có thể chia nhỏ nhiều cữ bú hoặc bữa ăn dặm để bé hấp thụ tốt hơn;
- Theo dõi các dấu hiệu mất nước (khô miệng, ít đi tiểu) và đảm bảo bù đủ dịch cho bé;
- Không cho trẻ uống đồ uống có nhiều đường như nước chanh đóng chai hoặc nước tăng lực;
- Đảm bảo bé có thời gian được nghỉ ngơi và hồi phục.
6. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng hệ tiêu hóa của trẻ có những biến đổi về nhu động ruột và sự hấp thu của dịch ruột, gây đau bụng hoặc các vấn đề trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Tình trạng rối loạn tiêu hóa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Đây là một trong các bệnh giao mùa ở trẻ em.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng rối loạn tiêu hóa, phổ biến nhất là trẻ bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, ngộ độc thực phẩm, dị ứng hoặc mắc một số bệnh lý (bệnh celiac, tắc ruột, viêm tụy, viêm gan, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,…).
Triệu chứng nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa:
- Cơn đau bụng dai dẳng, không dứt có thể là báo hiệu của bệnh viêm ruột;
- Ợ nóng và trào ngược dạ dày có thể là do trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt là nếu kèm các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đau ngực và khó nuốt;
- Bị tiêu chảy và táo bón dai dẳng;
- Phát ban trên da và gặp các vấn đề về hô hấp. Nếu triệu chứng khởi phát ngay sau khi ăn thực phẩm, bé có thể bị dị ứng;
- Có máu trong phân là một triệu chứng vô cùng nguy hiểm, thường do polyp đại tràng – đây là những khối u phát triển trên đại tràng hoặc trực tràng của bé.
Điều trị trẻ bị rối loạn tiêu hóa:
Ngay khi thấy những biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc những thay đổi trong ăn uống, cân nặng, vấn đề đi tiêu, đi tiểu của bé, ba mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Khi đã hiểu tác nhân chính gây tình trạng rối loạn tiêu hóa, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bé.
Hướng dẫn chăm sóc bé bị rối loạn tiêu hóa:
- Đảm bảo bé có thời gian nghỉ ngơi, bổ sung thêm dịch/nước uống cho bé;
- Với những bé đã có thể ăn dặm, mẹ ưu tiên cho bé ăn những món nhạt, không có gia vị như bánh mì, cơm, cháo;
- Đảm bảo bé có tinh thần thoải mái, không bị căng thẳng vì có thể làm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trở nên nặng hơn.
7. Quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh quai bị có thể bùng phát thành dịch, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não – màng não,… và có thể gây vô sinh ở các bé trai do viêm tinh hoàn và vô sinh ở bé nữ do viêm buồng trứng.
Triệu chứng nhận biết trẻ bị quai bị bao gồm:
Sốt, đau đầu, sưng và đau tuyến nước bọt dưới hàm, đau cơ.
Cách điều trị trẻ bị quai bị:
Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, nâng đỡ cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não,…
Hướng dẫn chăm sóc bé bị quai bị:
- Cho trẻ nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho những người khác;
- Cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi nhiều;
- Uống nhiều nước và cho ăn thức ăn mềm, dễ nhai;
- Chườm ấm hoặc mát để làm dịu các tuyến mang tai bị sưng;
- Không cho trẻ uống các loại nước ép trái cây có vị chua hoặc có tính axit vì có thể làm cơn đau tuyến mang tai nặng hơn.
Phòng bệnh quai bị là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bé:
Để phòng bệnh quai bị ở trẻ em, Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị rất quan trọng cho trẻ nhỏ, trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch;
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, giữ vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp;
- Thường xuyên đeo khẩu trang để tránh nhiễm vi rút gây bệnh quai bị.
8. Thủy đậu
Bệnh thủy đậu ở trẻ em (hay còn gọi là trái rạ ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Bệnh thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là với những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa.
Triệu chứng nhận biết trẻ bị thủy đậu:
Biểu hiện thường thấy là trên da của trẻ sẽ xuất hiện những đốm đỏ li ti, phát triển thành những mụn nước và dần dần lan rộng ra các vùng da lân cận.
Thông thường bệnh thủy đậu sẽ được chia làm 4 giai đoạn, bao gồm:
- Giai đoạn ủ bệnh: bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh khoảng 14 – 16 ngày và phát triển trong khoảng 10 – 21 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Đối với trẻ em, phát ban thường là dấu hiệu đầu tiên bệnh;
- Giai đoạn khởi phát: Sau giai đoạn ủ bệnh, trẻ có thể gặp một số triệu chứng thông thường của cơ thể như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi,… Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể sẽ bị viêm họng, nổi hạch sau tai,… Những biểu hiện này của cơ thể sẽ giống với một số bệnh cảm cúm thông thường, nên nhiều ba mẹ sẽ dễ chủ quan và phớt lờ tình trạng;
- Giai đoạn bệnh: Ở giai đoạn này các triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em đã bắt đầu rõ ràng hơn. Lúc này, những đốm đỏ phát ban trở thành mụn nước gây ngứa và lan rộng ra khắp cơ thể của bé gây ngứa và khó chịu toàn thân;
- Giai đoạn hồi phục: Sau khi được điều trị, tình trạng bệnh sẽ bắt đầu thuyên giảm trong vòng 7 – 10 ngày. Các mụn nước đỏ li ti sẽ bắt đầu khô và đóng vảy. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ sắp khỏi bệnh và đang trong giai đoạn hồi phục.
Cách điều trị bệnh thủy đậu cho bé:
Cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em hiện nay chủ yếu là theo dõi các triệu chứng và áp dụng biện pháp giúp thuyên giảm tình trạng càng sớm càng tốt.
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi ngoài da giúp triều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em:
- Thuốc tím bôi thủy đậu;
- Dung dịch xanh methylen;
- Kem bôi thủy đậu Acyclovir;
- Thuốc bôi thủy đậu Castellani;
- Dung dịch Aluminum acetate (Nhôm Acetat).
Trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em, ba mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc hạ sốt.
Hướng dẫn chăm sóc bé bị thủy đậu:
- Cách ly trẻ tại nhà cho đến khi hết bệnh để tránh lây lan cho người khác;
- Bôi thuốc hoặc thoa kem và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Cắt và dũa móng tay cho trẻ để tránh nhiễm trùng da khi bé gãi các mụn nước. Đối với trẻ sơ sinh, ba mẹ có thể đeo găng tay hoặc tất để trẻ không cào phải mụn nước.
9. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Đây được xem là một trong những bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp. Sốt xuất huyết ở trẻ em thường do 4 chủng virus do muỗi vằn (Aedes aegypti) lây lan. Loại muỗi này phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu bên trong và tổn thương nội tạng, huyết áp có thể tụt xuống mức nguy hiểm và gây sốc, một số trường hợp tử vong.
Triệu chứng nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết:
- Trên người dễ bị bầm tím;
- Sốt cao, có thể cao tới 40° C;
- Phát ban trên hầu hết cơ thể;
- Chảy máu mũi hoặc nướu răng.
Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết cho bé:
Hiện nay bệnh sốt xuất huyết không có phương pháp điều trị đặc hiệu, các triệu chứng nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết có triệu chứng nặng, các bác sĩ sẽ truyền dịch qua tĩnh mạch và bổ sung chất điện giải để thay thế những chất bị mất do nôn mửa hoặc tiêu chảy. Một số trường hợp nặng hơn có thể phải truyền máu.
Hướng dẫn chăm sóc bé bị sốt xuất huyết tại nhà:
- Ba mẹ có thể hạ sốt bằng cách cho trẻ uống paracetamol theo chỉ định và dùng nước mát lau da cho trẻ;
- Đảm bảo bù đủ dịch cho bé và theo dõi các dấu hiệu mất nước (đi tiểu ít hơn, khô miệng, lưỡi hoặc môi, ít hoặc không có nước mắt khi khóc đối với trẻ sơ sinh).
10. Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus nhẹ, dễ lây lan, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là coxsackievirus. Biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là mất nước.
Triệu chứng nhận biết trẻ bị bệnh tay chân miệng:
- Ở giai đoạn đầu của bệnh, bé sẽ có những biểu hiện tương tự như cảm lạnh kéo dài 3 – 5 ngày bao gồm sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng và biếng ăn;
- Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ em sẽ kéo dài từ 3 – 10 ngày bao gồm:
- Sốt;
- Có thể bị nôn nhiều lần trong ngày;
- Phát ban và nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông;
- Sau vài ngày những nốt ban hoặc mụn nước sẽ mờ dần và để lại vết thâm;
- Loét miệng với vết loét đỏ hoặc mụn nước có đường kính 2 – 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng cho bé:
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh tay chân miệng ở trẻ em bác sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ bác sĩ có thể chỉ định bôi thuốc mỡ làm dịu cơn đau và điều trị các nốt mụn gây ngứa ngáy khó chịu cho bé. Bác sĩ sẽ cân nhắc cho trẻ dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau đầu. Trẻ đau họng nặng sẽ được cho uống siro, ngậm thuốc đau họng.
Hướng dẫn chăm sóc bé bị tay chân miệng tại nhà:
Nếu trẻ bị tay chân miệng, mẹ cho nghỉ học để tránh lây bệnh cho các bạn khác và thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà như sau:
- Giữ ấm cho bé;
- Thay quần áo sạch hàng ngày;
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng;
- Tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da;
- Cho bé ở trong phòng thoáng mát, sạch sẽ;
- Cho bé uống nhiều nước hoặc Oresol để chống mất nước;
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, nhà vệ sinh để tránh lây lan bệnh;
- Cắt ngắn móng tay, đeo bao tay cho trẻ để giảm tổn thương da do gãi ngứa;
- Pha nước muối loãng cho con súc miệng, giúp các vết rộp trong miệng sát trùng và nhanh lành;
- Theo dõi thân nhiệt và biểu hiện bệnh của bé, ba mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi bệnh viện nếu xuất hiện dấu hiệu sốt cao co giật;
- Cần chú ý thìa dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.
11. Hen xuyễn
Hen suyễn là tình trạng viêm đường hô hấp (ống thở mang không khí từ mũi đến phổi). Đây cũng là một bệnh giao mùa ở trẻ em hay mắc phải. Khi trẻ bị hen suyễn, các cơ trong ống thở bị co thắt và sưng lên khiến ống thở bị hẹp lại và gây khó thở. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em bao gồm: có thành viên gia đình bị hen suyễn hoặc dị ứng, trẻ sinh non hoặc bị nhẹ cân khi chào đời và sống trong môi trường bị ô nhiễm hoặc có quá nhiều khói thuốc lá.
Các triệu chứng khi trẻ bị hen suyễn bao gồm:
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng chính của bệnh hen suyễn là ho và thở khò khè.
- Ở những trẻ lớn hơn, các bé có thể bị hụt hơi, tức ngực, ho nhiều và thường xuyên khi trời trở lạnh, khi vận động hoặc trong lúc ngủ.
Cách điều trị bệnh hen suyễn cho bé:
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và thể trạng của bé. Mục tiêu của điều trị hen suyễn là kiểm soát các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc hít giảm đau nhanh và tiếp tục theo dõi các triệu chứng của bé trong vài tuần.
Hướng dẫn chăm sóc bé bị hen suyễn:
- Đảm bảo môi trường trong phòng có độ ẩm vừa đủ;
- Tránh bé bị hít khói thuốc thụ động hoặc mùi từ nến thơm;
- Tránh vật nuôi có lông hoặc đồ trang trí, quần áo có lông vũ;
- Vệ sinh thường xuyên để đảm bảo không khí trong nhà trong lành;
- Giữ ấm cơ thể cho bé khi trời lạnh, nếu chất lượng không khí bên ngoài kém và nhiệt độ xuống thấp, ba mẹ nên để bé ở trong nhà.
cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin các nhóm,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm…. Tới các cơ sở y tế uy tín thăm khám ngay khi trẻ có các triệu chứng mắc bệnh.
(Sưu tầm)